HƯỚNG DẪN XỬ TRÍ SỐT CAO CO GIẬT Ở TRẺ EM TẠI NHÀ ĐÚNG CÁCH
Sốt không còn xa lạ với trẻ nhỏ nhưng sốt cao dẫn đến co giật khiến nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng. Nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu đúng và xử trí đúng cách dẫn đến có khả năng gây hại cho trẻ. Vậy xử trí sốt cao co giật ở trẻ em như thế nào là đúng?
Thế nào là sốt cao co giật?
Sốt cao co giật là cơn co giật gây ra bởi tình trạng tăng thân nhiệt đột ngột trên 38 độ C, mà không có bệnh nền gây nên co giật như: Bệnh lý thần kinh trung ương, rối loạn điện giải, chấn thương, tiền sử động kinh đã biết trước. Nhiệt độ cao nhất có thể dẫn đến co giật tuỳ thuộc vào cơ địa của từng trẻ và nhiệt độ càng cao càng có khả năng dẫn đến co giật.
Độ tuổi
Trẻ co giật khi sốt thường gặp từ 6 tháng đến 5 tuổi. Giai đoạn này, não của trẻ chưa hoàn thiện, nhạy cảm khi nhiệt độ thay đổi đột ngột. Sốt cao co giật có thể xảy ra trong 4% ở các trẻ em nhóm tuổi này. Và khoảng 30% trẻ em sẽ có cơn sốt cao co giật tái phát sau cơn sốt cao co giật đầu tiên.
Nguyên nhân sốt cao co giật ở trẻ em
Sốt là phản ứng thông thường khi cơ thể nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc lúc mọc răng, sau tiêm phòng vaccin,… Thông thường, sốt nhanh khỏi, không gây nguy hiểm.
Dấu hiệu trẻ bị co giật do sốt cần sơ cứu ngay
Cơn co giật có thể xuất hiện khi trẻ sốt trên 38 độ C. Do đó, khi trẻ sốt, cha mẹ cần quan tâm những dấu hiệu sau để phát hiện tình trạng co giật kịp thời:
- Trẻ mất ý thức
- Trẻ giật liên tục tay chân, mất tự chủ
- Hai hàm răng cắn chặt, sùi bọt mép.
- Tay chân co lại, hai mắt trợn trắng.
- Ngừng thở trong vài giây.
- Nôn ói, tiểu tiện và đại tiện không tự chủ.
Co giật do sốt thường toàn thân co cứng hoặc co giật liên tục.
Tùy thuộc vào mức độ mà co giật do sốt chia thành 2 dạng lâm sàng cơ bản: Co giật sốt đơn thuần, co giật sốt phức tạp.
Loại co giật |
Biểu hiện |
Hậu quả |
Co giật sốt cao đơn thuần |
Chỉ một cơn thoáng qua <15 phút. |
● Co giật ở một phần cơ thể và không kèm theo mất ý thức. ● Có thể quay đầu và mắt sang bên đối diện. ● Co cứng, co giật ở chân hoặc tay, hoặc một nửa người. ● Không có cơn co giật thứ hai trong 24 giờ. ● Khỏi bệnh thường không để lại di chứng.
|
Co giật do sốt phức tạp |
Kéo dài > 15 phút, nhiều hơn một cơn trong 24 giờ. |
Kèm theo các triệu chứng: Nôn mửa, cứng cổ… Co giật nhiều lần trong 24 giờ.
|
Sốt cao co giật đơn thuần có tiên lượng bệnh tốt. Tuy nhiên, ở trẻ sốt co giật phức tạp có thể cần được đo điện não đồ, chụp cắt lớp não bộ hoặc chọc dò tuỷ sống để tim kiếm nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt nhóm tuổi dưới 6 tháng.
Cách xử trí sốt cao co giật ở trẻ em
Khi trẻ lên cơn co giật sẽ mất tự chủ hoàn toàn, dễ cắn vào môi, lưỡi gây chảy máu. Cơn co giật có thể tái phát trong thời gian dài từ vài phút đến vài giờ, do đó, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ thường xuyên để xử trí sốt cao co giật, giúp trẻ ngừa những chuyển biến xấu có thể xảy ra.
Cách xử trí sốt cao co giật ở trẻ em:
- Đặt trẻ nằm nghiêng một bên, không để đầu gập xuống để dễ thở.
- Nới lỏng hoặc cởi bỏ bớt quần áo, không đắp chăn cho trẻ.
- Đặt thuốc hạ sốt vào hậu môn trẻ nếu sốt trên 38 độ C. Tùy vào cân nặng của trẻ mà dùng thuốc hạ sốt với liều thích hợp (thông thường 10 – 15mg/kg/lần).
- Chườm mát: Nhúng khăn sạch vào nước ấm và vắt khô để đặt ở nách, bẹn, sau mang tai trẻ. Thay khăn chườm mát liên tục để nhiệt độ cơ thể trẻ giảm nhanh.
- Đặt khăn mềm hoặc gạc sạch giữa 2 hàm răng để trẻ không cắn vào lưỡi.
- Nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
- Nới lỏng hoặc cởi bỏ bớt quần áo, không đắp chăn cho trẻ.
Những điều không nên làm khi trẻ nhỏ co giật do sốt
Khi trẻ nhỏ co giật do sốt, cha mẹ bình tĩnh để có hướng xử trí phù hợp, tuyệt đối không nên làm những điều sau khi trẻ bị co giật do sốt:
- Không cho trẻ uống bất cứ thứ gì (kể cả thuốc) vì rất dễ gây sặc, khó thở.
- Không cố gắng cậy răng trẻ.
- Không dùng sức để kìm lại cơn co giật của trẻ vì có thể làm trẻ bị chấn thương dây chằng, trật khớp, gãy xương,…
- Không cho tay vào miệng trẻ để tránh bị trẻ cắn trúng chảy máu, không đảm bảo vệ sinh.
- Không dùng nước đá chườm hay cồn để lau cho trẻ.
Cách phòng tránh cơn co giật khi trẻ bị sốt
Nếu trẻ từng bị sốt cao kèm co giật sẽ hay tái phát. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng con trẻ. Vì vậy, khi trẻ sốt, cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn để phòng ngừa và xử trí tốt nhất có thể.
Sau đây là một số cách phòng tránh cơn co giật khi trẻ sốt, cha mẹ cần lưu ý:
- Khi trẻ sốt, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay để tìm ra nguyên nhân và cách phòng tránh nguy cơ co giật.
- Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều sữa hơn để bù nước bị thất thoát.
- Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.
- Mặc quần áo mỏng, không đắp chăn kín, không ủ ấm trẻ.
- Đo nhiệt độ cơ thể cho trẻ thường xuyên bằng nhiệt kế.
- Chườm mát nếu trẻ sốt từ 38,5 độ trở lên.
- Khi sốt cao lên cơn co giật, cha mẹ đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất cấp cứu kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
- Cho trẻ ăn uống đa dạng thực phẩm, đầy đủ vitamin và khoáng chất. Mẹ cần chuẩn bị thuốc hạ sốt trong nhà để phòng khi trẻ lên cơn sốt sẽ có thuốc hỗ trợ kịp thời.
Khoa Nhi
Trung tâm Y tế huyện Ba Bể